Tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Các nghệ nhân đã tạc thành công tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông từ khối ngọc bích khổng lồ lấy từ vùng mỏ ngọc đã chế tác ra bức Phật Hòa Bình Thế Giới.
Ngày 12/11, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nặng khoảng 2 tấn, khuôn mặt dát vàng đã hoàn thành sau hơn 4 tháng thi công tính từ lúc khởi công ở chùa Vĩnh Nghiêm - TP.HCM cho đến khi đưa về huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Minh Dũng |
Trước đó, khối ngọc bích đã được nhập về từ Canada, thuộc vùng mỏ ngọc đã chế tác ra bức Phật Hòa Bình Thế Giới. Các nghệ nhân tạc tượng theo tư thế Phật ngồi cao khoảng 1,6 mét. Nguyên mẫu tượng được lấy từ tượng đang thờ tại Yên Tử để chế tác.
Vào cuối tháng 10/2011, khối ngọc đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Pháp vương chú nguyện. Nghệ nhân Đinh Danh Tư phụ trách chính quá trình tạc tượng. Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, đây là tượng Phật hoàng bằng ngọc bích đầu tiên ở Việt Nam có kích thước như trên.
Ngoài ra, các nghệ nhân đã phục chế ấn tổ của nhà Trần theo phiên bản ấn cổ bằng ngọc. Dự kiến, 2 chiếc ấn đẹp nhất sẽ được tặng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, và MTTQ TP.HCM để bán đấu giá gây quỹ Vì người nghèo.
Từ ngày 22 đến ngày 24/11 tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được trưng bày tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô chào mừng Đại hội Phật giáo Việt Nam.
Trần Nhân Tông (1258 – 1308) là vị vua thứ ba của nhà Trần. Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Trúc Lâm đầu đà.
Thiền phái Trúc Lâm do ông sáng lập giữ tinh thần chủ đạo trong tác phẩm “Trúc lâm Tông chỉ Nguyên Thanh” nổi tiếng của Ngô Thời Nhậm. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam và được tôn thờ ở nhiều nơi trên khắp đất nước.